Friday, December 06, 2013

Điều 28 -> hết - 111/2013/TT-BTC Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Ngày ban hành 15/08/2013

Điều 28. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế 

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế phải được thể hiện dưới hình thức văn bản. Trong quyết định xử phạt phải ghi rõ các nội dung chính sau đây: địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ pháp lý để ban hành; biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và các tài liệu khác (nếu có); văn bản giao quyền (nếu có); họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính về thuế; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt; trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành; họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Thời hạn thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

3. Trường hợp xử phạt đối với một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.

Điều 29. Việc đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt được đóng dấu cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó. 

2. Đối với quyết định sử dụng trong xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 16 Thông tư này thì dấu được đóng lên 1/3 (một phần ba) chữ ký về phía bên trái chữ ký của người có thẩm quyền xử phạt.

3. Đối với quyết định sử dụng trong xử phạt của những người có thẩm quyền xử phạt mà không có quyền đóng dấu trực tiếp thì quyết định được đóng dấu cơ quan của người ra quyết định xử phạt vào góc trái tại phần trên cùng của quyết định, nơi ghi tên cơ quan xử phạt và số, ký hiệu của quyết định xử phạt.

Mục 3
THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ

Điều 30. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế không lập biên bản

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. 

2. Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại kho bạc nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của kho bạc nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt. 

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại kho bạc nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 40 Thông tư này.

Điều 31. Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành đối với trường hợp lập biên bản

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành. 

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

a) Đối với trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì công chức giao quyết định xử phạt phải lập biên bản về việc giao quyết định xử phạt. Trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao. 

b) Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Điều 32. Công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế

1. Cơ quan thuế công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp sau:

a) Trốn thuế, gian lận thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế.

b) Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế có trách nhiệm công bố, công khai vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ hoặc cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính về thuế.

Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt là Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì việc công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của Bộ Tài chính hoặc trang thông tin điện tử hoặc tạp chí thuế của Tổng cục Thuế. Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt là Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Đội trưởng Đội Thuế thì việc công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc bản tin thuế của Cục Thuế hoặc trang thông tin điện tử hoặc báo cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính về thuế.

4. Nội dung công bố, công khai bao gồm: họ tên, địa chỉ nghề nghiệp của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm hành chính về thuế, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh chính; hành vi vi phạm hành chính về thuế hoặc lý do công bố, công khai; hậu quả do vi phạm gây ra hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời hạn thực hiện.

5. Về trách nhiệm đăng thông tin của người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị về thông tin công bố, trình tự, thủ tục thực hiện công bố, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 33. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế 

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định xử phạt thì quyết định xử phạt được thi hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao quyết định xử phạt.

Trường hợp, cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện xét thấy việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.

2. Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt.

Điều 34. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt, quá thời hạn thì không thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Điều 35. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản

1. Trường hợp người bị xử phạt đã chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành thì không thi hành nội dung phạt tiền tại quyết định xử phạt nhưng vẫn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.

Người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản.

Trường hợp quyết định xử phạt không có nội dung áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.

2. Căn cứ xác định cá nhân bị chết, mất tích, tổ chức bị giải thể, phá sản:

a) Giấy chứng tử đối với trường hợp cá nhân bị chết. 

b) Quyết định của toà án tuyên bố một người mất tích đối với trường hợp cá nhân bị mất tích.

c) Quyết định giải thể đối với trường hợp tổ chức bị giải thể.

d) Quyết định doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản của Toà án đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

3. Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt gồm nội dung sau: đình chỉ thi hành hình thức phạt tiền, lý do đình chỉ; nội dung quyết định xử phạt tiếp tục phải thi hành, tên tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp tục thi hành; thời hạn thi hành.

4. Việc kế thừa nghĩa vụ thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của cá nhân đã chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản.

a) Những người được hưởng thừa kế có trách nhiệm thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp, di sản thừa kế chưa được chia thì việc tiếp tục thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

Trường hợp, di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp, Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì có trách nhiệm thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Trường hợp, không có người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật hoặc có nhưng từ chối nhận di sản thừa kế thì thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

b) Người được Toà án giao quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích có trách nhiệm thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt (biện pháp khắc phục hậu quả) trong phạm vi tài sản được giao quản lý thay cho người mất tích.

c) Đối với tổ chức bị giải thể, phá sản thì quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của tổ chức giải thể, phá sản để thi hành.

Trường hợp tổ chức bị giải thể là đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp thì tổ chức bị giải thể không được miễn thi hành hình thức phạt tiền tại quyết định xử phạt. 

d) Trường hợp cá nhân bị chết, mất tích, tổ chức bị phá sản thuộc trường hợp xoá nợ tiền thuế, tiền phạt theo quy định của Luật quản lý thuế thì tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt được xoá nợ theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Hoãn thi hành quyết định phạt tiền

1. Trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm hoạ, hoả hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc thì có thể được hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Đối với cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì chỉ cần có kết quả xác định về bệnh hiểm nghèo của cơ sở khám, chữa bệnh nơi cá nhân khám, chữa bệnh.

2. Cá nhân phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuế gửi người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, nêu rõ lý do khó khăn về kinh tế không có khả năng nộp tiền phạt đúng hạn, có xác nhận của cơ quan, tổ chức nêu tại Khoản 1 Điều này. 

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, người ra quyết định xử phạt xem xét quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt. Thời hạn hoãn thi hành quyết định phạt tiền không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền.

3. Quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền; lý do hoãn thi hành; thời hạn hoãn thi hành và chữ ký của người ra quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền.

Điều 37. Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, hoả hoạn, thảm hoạ, tai nạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo có quyền đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

2. Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại; chi phí khám, chữa bệnh.

3. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế bao gồm:

a) Đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn, giảm tiền phạt; thu nhập của cá nhân, hộ gia đình; xác định giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, thảm hoạ, tai nạn, dịch bệnh, chi phí chữa bệnh hiểm nghèo; số tiền phạt đề nghị được miễn, giảm.

b) Trường hợp thiệt hại về tài sản, chi phí chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có) phải kèm theo bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có). Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

c) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản thiệt hại. Trường hợp, cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì chỉ cần có kết quả xác định về bệnh hiểm nghèo của cơ sở khám, chữa bệnh nơi cá nhân khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ theo quy định.

4. Thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt

Cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có quyền xem xét quyết định miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

5. Trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt

Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này phải có đơn đề nghị miễn, giảm phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt và hồ sơ kèm theo gửi người ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế phải chuyển đơn kèm theo hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt để xem xét, quyết định miễn, giảm tiền phạt.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt, người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt phải xem xét, quyết định miễn, giảm tiền phạt và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt biết; Trường hợp, người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt không đồng ý với việc miễn, giảm tiền phạt thì phải nêu rõ lý do.

6. Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định, người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn phải ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả;

2. Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định. Trong quyết định phải ghi rõ: ngày, tháng, năm quyết định; họ, tên, chức vụ của người quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; lý do không áp dụng hình thức xử phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng; thời hạn thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; chữ ký của người ra quyết định.

Điều 39. Chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để thi hành

1. Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính ở đơn vị hành chính thuộc tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan thuế cùng cấp có thẩm quyền nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành. 

2. Trường hợp vi phạm xảy ra ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan thuế cùng cấp có thẩm quyền nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

3. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều này có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế cho cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành theo quy định. Cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm trả chi phí vận chuyển hồ sơ vi phạm hành chính về thuế.

4. Trường hợp cơ quan thuế chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sang cơ quan khác để thi hành quy định tại Khoản 1, 2 Điều này thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có trách nhiệm nộp tiền phạt, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt vào kho bạc nhà nước nơi cơ quan tiếp nhận hồ sơ xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để thi hành.

Điều 40. Nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế

a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại kho bạc nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại Điểm b, c, Khoản 1 Điều này. 

Trường hợp, quyết định xử phạt có ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày theo quy định tại Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm nộp tiền phạt trong thời hạn ghi trên quyết định xử phạt, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

b) Trường hợp, cá nhân, tổ chức bị xử phạt tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại khó khăn thì có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại kho bạc nhà nước hoặc tài khoản của kho bạc nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt. 

c) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về thuế bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân; từ 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;

b) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. 

Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp (nếu có) hoặc cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Trường hợp, tổ chức bị xử phạt không có cơ quan, tổ chức cấp trên mà thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp là người ra quyết định xử phạt thì tổ chức có đơn đề nghị nộp dần tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt trong đó nêu lý do khó khăn về kinh tế để người ra quyền xử phạt xem xét, giải quyết.

3. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt. 

4. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.

Điều 41. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, tiền phạt

1. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế được thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật quản lý thuế.

Đối với trường hợp khai thiếu thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra thì áp dụng tính tiền chậm nộp tiền thuế theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế khai thiếu tính cho thời gian chậm nộp. Trường hợp, quá thời hạn 90 ngày, kể từ ngày người nộp thuế phải nộp tiền thuế truy thu vào ngân sách nhà nước theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt hoặc quyết định xử lý truy thu thuế mà người nộp thuế chưa nộp thì người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp tiền thuế theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

2. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền phạt

a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt, chậm nộp tiền phạt so với thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại Điều 33 Thông tư này thì phải nộp đủ số tiền phạt và tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. 

b) Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời gian xem xét, quyết định miễn, giảm phần còn lại tiền phạt hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần; cá nhân vi phạm hành chính thuế được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

3. Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến ngày liền kề trước ngày cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 42. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

3. Áp dụng văn bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế

a) Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về thuế đã xảy ra trước ngày 15 tháng 12 năm 2013 áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.

b) Áp dụng các quy định về xử phạt; quy định về hoãn thi hành quyết định xử phạt, miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và các quy định về xử phạt khác có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về thuế quy định tại Thông tư này đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế xảy ra trước ngày 15 tháng 12 năm 2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.

c) Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế còn khiếu nại thì áp dụng quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để giải quyết.

Điều 43. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tổ chức và chỉ đạo việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế; kiểm tra việc tuân thủ pháp luật để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn ngành, đúng quy định của pháp luật.

2. Thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cấp dưới.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục mẫu biên bản, mẫu quyết định, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có thể bổ sung thêm dòng vào các chỉ tiêu đảm bảo phản ánh đủ các nội dung hành vi vi phạm trong quá trình lập biên bản và ra quyết định xử phạt.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời./.

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT, PC(3b)).Biên
   KT. BỘ TRƯỞNG
  THỨ TRƯỞNG


Đã ký


    Đỗ Hoàng Anh Tuấn


No comments:

Post a Comment