Saturday, November 30, 2013

Anh Quân và vợ chưa cưới người Thái Lan đã được Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan ký Giấy chứng nhận kết hôn. Gần đến ngày tổ chức Lễ đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán thì vợ chưa cưới của anh được công ty cử đi dự một hội thảo chuyên ngành tại Singapore, không thể về kịp. Anh Quân rất lo lắng, liệu anh có thể xin lùi ngày tổ chức Lễ đăng ký kết hôn được không? Đồng thời anh cũng muốn biết Lễ đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán sẽ được tổ chức như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điều 19 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thì lễ đăng ký kết hôn tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam  được tổ chức trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ký Giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, anh Quân không phải lo lắng vì pháp luật cho phép trong trường hợp có lý do chính đáng (như vì ốm đau, bệnh tật, bận công tác hoặc có lý do chính đáng khác) mà hai bên nam nữ không thể có mặt vào thời điểm đã định thì có thể yêu cầu thay đổi thời gian tổ chức Lễ đăng ký kết hôn. Khi đó, anh Quân phải có đơn đề nghị Đại sứ quán cho hoãn việc đăng ký kết hôn, nhưng không được quá 90 ngày. Anh Quân cũng lưu ý, nếu hết thời hạn này mà anh mới yêu cầu tổ chức Lễ đăng ký kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam. Khi tổ chức Lễ đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên đương sự. Đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ghi việc kết hôn vào sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và trao cho vợ, chồng mỗi người 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày tổ chức Lễ đăng ký kết hôn và ghi vào sổ đăng ký theo quy định. Việc cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn từ sổ gốc do Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam hoặc Bộ Ngoại giao thực hiện theo yêu cầu của đương sự.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trường hợp nào việc kết hôn có yếu tố nước ngoài bị từ chối đăng ký?
 Trả lời:
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP thì việc đăng ký kết hôn bị từ chối trong các trường hợp sau đây:
- Một hoặc cả hai bên đương sự chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật Việt Nam;
- Bên đương sự là người nước ngoài chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch);
- Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định;
- Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn;
- Một hoặc cả hai bên đương sự là người đang có vợ, đang có chồng;
- Một hoặc cả hai bên đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự;
- Các đương sự là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời;
- Các đương sự đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng;
- Các đương sự cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).

Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.

No comments:

Post a Comment