Wednesday, November 20, 2013

Những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Những người nào có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?
Trả lời:
        Theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình thì những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:
        - Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn không tự nguyện hoặc bị ép buộc, lừa dối, cưỡng ép;
       - Viện Kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn và quy định về các trường hợp cấm kết hôn;
       - Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn và quy định về các trường hợp cấm kết hôn:
               + Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn;
               + Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
               + Hội liên hiệp phụ nữ.
       - Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Hoàn cảnh gia đình nhà chị Thúy khó khăn. Chị không yêu thương anh Minh nhưng vì cha mẹ ép buộc nên phải đăng ký kết hôn với anh Minh để nhận được sự hỗ trợ về vật chất. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, hai bên vợ chồng không có tình cảm với nhau, không có hạnh phúc, hôn nhân có khả năng đổ vỡ. Xin hỏi: trong trường hợp này, chị Thúy có thể yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hay không?

Trả lời:

      Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam thì: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;”

      Nếu việc kết hôn không xuất phát từ sự tự nguyện của nam nữ mà do bị ép buộc, lừa dối thì việc kết hôn đó là trái pháp luật. Giải thích về vấn đề này, điểm b, mục 1, Nghị quyết số 02/2002/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định:

      “Nếu nam và nữ kết hôn tuy có đủ các điều kiện quy định tại các điểm 1 và 3 Điều 9, nhưng họ không tự nguyện quyết định mà thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm 2 Điều 9:
b.1. Một bên ép buộc (ví dụ: đe doạ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần hoặc dùng vật chất...) nên buộc bên bị ép buộc đồng ý kết hôn;
b.2. Một bên lừa dối (ví dụ: lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu...) nên bên bị lừa dối đã đồng ý kết hôn;
b.3. Một bên hoặc cả hai bên nam và nữ bị người khác cưỡng ép (ví dụ: bố mẹ của người nữ do nợ của người nam một khoản tiền nên cưỡng ép người nữ phải kết hôn với người nam để trừ nợ; do bố mẹ của hai bên có hứa hẹn với nhau nên cưỡng ép con của họ phải kết hôn với nhau...) buộc người bị cưỡng ép kết hôn trái với nguyện vọng của họ.”
 
      Đồng thời, Khoản 1, Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn không tự nguyện hoặc bị ép buộc, lừa dối, cưỡng ép;

     Đối với trường hợp của chị Thúy, việc kết hôn với anh Minh không xuất phát từ sự tự nguyện của chị mà do bị ép buộc từ phía gia đình. Chị có thể yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
http://www.moj.gov.vn

No comments:

Post a Comment