Wednesday, November 20, 2013

Vướng về ân hạn thuế và địa điểm làm thủ tục theo thông tư 128/2013/TT-BTC

11/19/2013 03:28:56 PM
(HQ Online)- Theo phản ánh của nhiều DN, quy định về điều kiện để được ân hạn thuế và quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với loại hình sản xuất xuất khẩu còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho DN.

Thuê dài hạn vẫn không được ân hạn?

Khoản a.1, Điều 20 quy định điều kiện để được ân hạn thuế 275 ngày, DN “Phải có cơ sở sản xuất hàng XK thuộc sở hữu của người nộp thuế, không phải cơ sở đi thuê trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hóa XK”.

Bà Trần Thị Ngọc Trâm - Trưởng phòng XNK, Công ty TNHH Aroma Bay Candles (Hải Phòng) cho biết, Công ty là DN 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn điều lệ 3,38 triệu USD) chuyên sản xuất nến thơm để XK (chủ yếu thị trường Hoa Kỳ). Công ty đi vào hoạt động từ năm 2004. Đến năm 2012, Công ty TNHH Aroma Bay Candles có 1.000 lao động, doanh số XK 35 triệu USD, năm 2013 dự kiến con số XK còn cao hơn. Khi bắt đầu hoạt động, Công ty thuê 20.000 m2 đất và nhà xưởng trên đất. Đến nay, để phù hợp với nhu cầu phát triển, Công ty thuê đất và 2 nhà xưởng (5.000 m2/xưởng). Thời hạn thuê đất và nhà xưởng là 20 năm.

Theo bà Trâm, mặc dù đã thuê đất và nhà xưởng nhưng để hoạt động được DN còn phải thiết kế lại và đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục của nhà xưởng. Các hoạt động thiết kế, xây dựng đều do Công ty TNHH Aroma Bay Candles bỏ tiền ra thực hiện và đứng tên trên hợp đồng. Bên cạnh đó, DN còn NK dây chuyền máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Nhưng do nhà xưởng của DN trên thực tế vẫn là thuê (thuê dài hạn) nên nếu căn cứ theo quy định của Thông tư 128 “phải có cơ sở sản xuất thuộc sở hữu” thì mới được ân hạn thuế thì DN sẽ không đáp ứng được.

Bà Trâm cho rằng, gần 10 năm hoạt động, DN chưa 1 lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, nay nếu phải thực hiện quy định này DN sẽ rất khó khăn. Với lượng nguyên liệu NK hiện nay nếu phải nộp thuế ngay số thuế DN phải tạm nộp (sau đó khi thanh khoản DN sẽ được hoàn thuế) sẽ lên đến hàng tỉ đồng/tháng.

Bà Trâm cho rằng, với những DN có cơ sở sản xuất có hợp đồng thuê dài hạn, có đầu tư thêm để xây dựng lại nhà xưởng, có sở hữu về dây chuyền thiết bị, đã hoạt động nhiều năm và chấp hành tốt pháp luật, cơ quan chức năng cần xem xét cho DN tiếp tục được ân hạn thuế 275 ngày như quy định tại Luật Quản lí thuế sửa đổi.

Cùng khó khăn trên là trường hợp Công ty TNHH may Nam Lee International (Hải Dương). Ông Hoàng Văn Hiệp, đại diện Công ty cho biết, đơn vị là DN liên doanh chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc XK. Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2008. Để phục vụ sản xuất, Công ty có thuê 25.000 m2 đất và nhà xưởng tại KCN Phú Thái (Hải Dương) với chính chủ đầu tư KCN, thời hạn thuê 10 năm.

Toàn bộ dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất đều do Công ty nhập về và đứng tên sở hữu. Hiện Công ty đang sử dụng 1.500 lao động. Theo ông Hiệp, nếu phải tạm nộp thuế ngay (sau đó DN thanh khoản sẽ được hoàn thuế) hàng tháng số tiền thuế cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là điều hết sức khó khăn cho DN.

Đại lí hải quan làm thủ tục ở đâu?

Vướng mắc khác mà chúng tôi ghi nhận được là quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan. Khoản 1, Điều 36 quy định “ DN đăng kí nguyên liệu, vật tư nhập khẩu SXXK và làm thủ tục hải quan NK nguyên liệu, vật tư theo danh mục đã đăng kí tại một Chi cục hải quan sau đây: a) Chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi DN có cơ sở sản xuất.

b) Trường hợp DN được tổ chức theo mô hình tập đoàn (công ty mẹ - công ty con) có đơn vị thành viên chuyên trách thực hiện việc NK nguyên liệu, vật tư để cung cấp cho các đơn vị trực thuộc hoặc có cơ sở sản xuất tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì được lựa chọn một Chi cục hải quan nơi DN có cơ sở sản xuất hoặc Chi cục hải quan tại cửa khẩu nhập nguyên liệu, vật tư để làm thủ tục hải quan”.

Đại diện Đại lí vận tải quốc tế phía Bắc (thuộc Tổng Công ty đại lí hàng hải Việt Nam) cho biết, Đại lí được thành lập từ năm 2006 được cấp chứng nhận là đại lí thủ tục hải quan. Hiện Đại lí vận tải quốc tế phía Bắc làm thủ tục hải quan cho khoảng 400 DN trên toàn quốc. Ngoài trụ sở ở Hải Phòng, Đại lí có chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM.

Hiện đại lí chủ yếu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lí hàng đầu tư gia công Hải Phòng với lượng tờ khai khoảng trên 500 tờ khai/ngày. Nhiều DN trong số này không hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con nên bắt buộc phải làm thủ tục tại nơi DN đặt cơ sở sản xuất.

Theo vị đại diện này, Thông tư 128 mới đề cập đến trường hợp DN sản xuất trực tiếp làm thủ tục mà chưa đề cập đến trường hợp các DN là đại lí hải quan. Còn nếu đại lí hải quan thực hiện như quy định với DN vừa sản xuất vừa trực tiếp làm thủ tục sẽ rất khó cho đại lí hải quan. Bởi khách hàng của các đại lí hoạt động ở nhiều loại hình khác nhau, có trụ sở, cơ sở sản xuất ở nhiều địa điểm, hàng hóa cũng về nhiều cảng khác nhau.

Do đó, để thực hiện đúng khoản 1 Điều 36, Đại lí vận tải quốc tế phía Bắc sẽ phải mở chi nhánh ở rất nhiều địa phương trong cả nước và đây gần như là điều không thể vì hạn chế về nhân lực và chi phí.

Bà Trần Thị Thanh Vân - Công ty Kintetsu World Express Vietnam, Inc cho biết, Công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ Logistics bao gồm cả dịch vụ làm thủ tục hải quan. Kintetsu World Express Vietnam hoạt động ở Việt Nam được 7 năm. Hiện Công ty có trên 100 khách hàng gồm nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam. Mỗi ngày Công ty mở khoảng 500 tờ khai.

Trước đây DN vẫn làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lí hàng đầu tư gia công Hải Phòng. Theo bà Vân, nếu áp dụng quy định mới của Thông tư 128, với nhiều khách hàng như vậy, Kintetsu World Express Vietnam cũng phải mở tờ khai ở nhiều cơ quan Hải quan, điều này vừa tốn nhân lực vừa không linh hoạt và khó theo dõi để thanh khoản, quyết toán.

Bà Đoàn Thùy Dương - làm việc cho 1 đại lí hải quan cho biết, đại lí của chị có trụ sở ở Hà Nội làm thủ tục cho 1 DN đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Vĩnh Phúc. Đã 10 năm nay chị đều làm thủ tục cho khách hàng ở Hải Phòng. Nếu theo quy định này Công ty sẽ phải làm thủ tục ở Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, tuy nhiên, hiện nay cơ quan Hải quan chưa thể cập nhật dữ liệu các tờ khai trước đây của DN đến cơ quan Hải quan mới nên việc theo dõi để thanh khoản sẽ rất khó khăn.

Một điều mà các DN phản ánh là hàng hóa khi gửi về cảng Hải Phòng trên vận đơn cũng chỉ ghi cảng đích đến là cảng Hải Phòng, Trong khi đó thực tế cảng Hải Phòng có rất nhiều cảng khác nhau (như cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Green Port, Đình Vũ…) và do 4 chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng quản lí. Do đó, khi mở tờ khai, DN sẽ không biết hàng về cảng thuộc Chi cục nào quản lí để mở tờ khai. Điều này chỉ biết được khi tàu của hãng vận tải cập cảng và có thông báo nhận hàng cho DN. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, DN phải thực hiện và hoàn thành tờ khai trước khi hàng về. Khi hàng đến cảng chỉ còn thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế (nếu có) để thông quan. Nếu phải chờ hàng về cảng mới mở tờ khai sẽ làm chậm việc sản xuất của DN.
 


Theo Báo Hải Quan

No comments:

Post a Comment