Thursday, November 28, 2013

Các hành vi mà người sử dụng lao động bị cấm thực hiện với người lao động là gì?

Người sử dụng lao động không được thực hiện các hành vi sau với người lao động:
- Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Cưỡng bức lao động.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo nghề hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo nghề hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
(Điều 8, Bộ luật lao động 2012)
Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn

Thôi việc khi công ty thay đổi cơ cấu
trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách thì doanh nghiệp phải thực hiện chi trả:
-       Trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Mức chi trả cho mỗi năm làm việc là một tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. (Theo Điều 49 Luật lao động 2012)
-       Trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên (nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc) (Điều 48 của Luật lao động 2012)
Ngoài ra, Khi nghỉ việc, người lao động có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật. Để được hưởng BHTN phải đủ điều kiện sau: Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau: Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên (điều 81 và điều 82 luật BHXH số 71/2006/QH11) .
Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn

No comments:

Post a Comment