Saturday, November 30, 2013

Bảy năm trước tôi kết hôn với một người Đài Loan, nhưng nay vợ chồng tôi không hợp nhau nữa nên tôi muốn xin ly hôn chồng ở Việt Nam thì có được không? Cơ quan nào sẽ giải quyết việc ly hôn đối với trường hợp của tôi?

Trả lời:
Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 410 và điểm c khoản 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Đối với vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống ở Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, xem xét việc công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài theo quy định của pháp luật. Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định: bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú để được xem xét, giải quyết.

Anh T đi xuất khẩu lao động, làm việc trong một nhà máy giấy ở Hàn Quốc được 7 năm. Trong thời gian làm việc ở đây, do chăm chỉ cầu tiến nên anh T được ông bà chủ yêu mến và có ý định gả con gái cho anh cũng như sau này sẽ giao toàn bộ nhà xưởng cho hai vợ chồng anh làm ăn, buôn bán. Anh T muốn hỏi, liệu việc kết hôn với người vợ Hàn quốc có làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của anh T hay không? Đồng thời để thuận tiện cho việc kinh doanh lâu dài, anh T cũng có ý định thay đổi quốc tịch của mình theo quốc tịch của vợ. Xin hỏi vấn đề quốc tịch và thay đổi quốc tịch khi kết hôn với người nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?
Trả lời
Quốc tịch là căn cứ pháp lý để xác định tư cách công dân của một nước, thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước, là cơ sở làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân.
Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự. Tuy nhiên, vợ/chồng có thể nhập hoặc thôi quốc tịch Việt Nam để gia nhập quốc tịch nước ngoài của chồng/vợ.
 Điều 9 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về giữ quốc tịch khi kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:
Việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ (nếu có).

Như vậy, việc kết hôn với người vợ Hàn quốc không làm thay đổi quốc tịch của anh T. Anh T vẫn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam sau khi kết hôn. Tuy nhiên, anh T có thể thôi quốc tịch Việt Nam để gia nhập quốc tịch của vợ, nếu anh muốn. Các quy định về việc thôi quốc tịch được quy định chi tiết trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

No comments:

Post a Comment