Saturday, November 30, 2013

Chị Bích và chồng sắp cưới người Nhật nhận được thông báo đến Sở Tư pháp để tiến hành Lễ đăng ký kết hôn. Anh chị rất mừng và muốn biết Lễ đăng ký kết hôn sẽ được tổ chức như thế nào? Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của anh chị có giá trị kể từ ngày nào?
Trả lời:
Điều 17 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP quy định: Lễ đăng ký kết hôn tại Việt Nam được tổ chức trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp. Khi tổ chức Lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt, xuất trình chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (như giấy thông hành hoặc giấy tờ tuỳ thân có dán ảnh). Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và trao cho vợ, chồng mỗi người 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Tuy nhiên, nếu hai bên nam nữ kết hôn không thể dự Lễ kết hôn trong thời hạn nêu trên và có lý do chính đáng thì thời gian tổ chức Lễ kết hôn có thể theo yêu cầu của họ nhưng không được quá 90 ngày. Hết thời hạn này mà đương sự mới yêu cầu tổ chức Lễ đăng ký kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày tổ chức Lễ đăng ký kết hôn và ghi vào sổ đăng ký. Việc cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn từ sổ gốc do Sở Tư pháp thực hiện theo yêu cầu của đương sự.

Anh Quân là công dân Việt Nam, đang làm ăn sinh sống ở Thái Lan. Vợ chưa cưới của anh là người Thái Lan. Anh định đến Đại sứ quán Việt Nam ở Băng Cốc để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nhưng anh băn khoăn không rõ trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài có khác gì so với giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở trong nước không?
Trả lời:
Trình tự đăng ký kết hôn tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam cũng không có gì khác biệt so với trình tự giải quyết ở trong nước. Theo khoản 6 Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có trách nhiệm:
 - Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau;
 - Niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam;
 - Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự tiến hành xác minh làm rõ;
- Trong trường hợp xét thấy có vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan hữu quan ở trong nước thì Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam yêu cầu các cơ quan đó xác minh theo chức năng chuyên ngành thông qua Bộ Ngoại giao. Thời hạn để các cơ quan hữu quan trong nước tiến hành xác minh là 20 ngày, kể từ ngày nhận được công văn của Bộ Ngoại giao (tổng thời gian xác minh là 45 ngày, kể cả thời gian chung chuyển hồ sơ, giấy tờ giữa các cơ quan);

- Nếu xét thấy các bên đương sự đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký kết hôn thì người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ký Giấy chứng nhận kết hôn. Trong trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có văn bản thông báo cho đương sự, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

No comments:

Post a Comment