Wednesday, November 20, 2013

Kết hôn trái pháp luật

Kết hôn trái pháp luật là gì? Anh Khải (22 tuổi) kết hôn với chị Mai (16 tuổi 7 tháng) nhưng không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới hỏi theo phong tục truyền thống thì có phải là kết hôn trái pháp luật hay không? 

Trả lời:
           Theo Khoản 3, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình thì: Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định.

          Giải thích cụ thể về điều này, điểm a, mục 2 Nghị quyết số 02/2000/HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao quy định: “kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn, nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định; cụ thể là việc đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 thực hiện và việc tổ chức đăng ký kết hôn theo đúng nghi thức quy định tại Điều 14, nhưng vi phạm một trong các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình”.

         Như vậy, việc kết hôn trái pháp luật là việc:
- Nam nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng nghi thức mà pháp luật quy định.
- Việc đăng ký kết hôn này vi phạm một trong các điều kiện kết hôn do luật định.

         Đối với trường hợp của anh Khải và chị Mai, mặc dù hai anh chị đã tổ chức hôn lễ khi chưa đáp ứng điều kiện về độ tuổi mà pháp luật quy định nhưng vì chưa đăng ký kết hôn nên không phải là kết hôn trái pháp luật. Xét về mặt pháp luật, hai anh chị được coi như chưa kết hôn. Đồng thời việc duy trì mối quan hệ như vợ chồng giữa anh Khải và chị Mai được coi là tảo hôn theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình. Hành vi này là vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính.

Hậu quả pháp lý của hủy việc kết hôn trái pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?  
Trả lời:  

          Theo quy định tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình thì hậu quả pháp lý của hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định như sau: 
           - Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.  
           - Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.  
          - Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

No comments:

Post a Comment